Editor’s note: this is a translation of an article by Angie Ngọc Trần that appeared in English at New Mandala on 8 March 2024. The translation was kindly prepared by Trúc Hà.
Nguyên bản: Angie Ngọc Trần, đăng ngày 8-3-2024 trên diễn đàn New Mandala của Australian National University.
••••••••
Mười năm đã trôi qua kể từ khi Thỏa ước lao động song phương Việt Nam – Ả-rập Xê-út (Bilateral Labour Agreement, BLA) được ký kết vào năm 2014, quy định việc đưa phụ nữ từ Việt Nam sang lao động giúp việc nhà dựa theo hệ thống Kafala. Kafala là một hệ thống phổ biến ở Ả-rập Xê-út và các quốc gia vùng Vịnh khác trong đó người bảo trợ là người xin chiếu khán nhập cảnh cho người lao động. Hệ thống này mang lại cho người bảo trợ cũng là kafeel, tức gia chủ và chủ của người lao động, toàn quyền kiểm soát cuộc sống của những phụ nữ lao động giúp việc nhà này. Năm 2019, chính phủ hai nước đã âm thầm gia hạn thỏa ước song phương 5 năm này mà không hề có một thông báo công khai nào. Trong năm 2024, Thỏa ước này sẽ lại được gia hạn.
Việc Thỏa ước lao động song phương đưọc bí mật gia hạn năm 2019 là do bởi dư luận xấu, cả trong nước và trên toàn thế giới, kể từ khi thỏa ước ra đời năm 2014. Chỉ một năm sau khi thỏa ước ra đời, các tờ báo lao động Việt Nam đã đưa tin về những vi phạm các điều khoản của thỏa ước bởi các công ty tuyển dụng và các cơ quan chính phủ Việt Nam.
Những tờ báo này đã mô tả những bất bình và kiến nghị vạch trần những khó khăn và lạm dụng mà người lao động giúp việc nhà ở Ả-rập Xê-út phải chịu đựng. Từ năm 2019 đến năm 2022, một loạt báo cáo từ nhiều nguồn khác nhau đã đưa ra ánh sáng các trường hợp vi phạm quyền của phụ nữ lao động giúp việc nhà ở Ả-rập Xê-út: các tờ báo lao động Việt Nam, báo cáo đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nạn buôn người ở Việt Nam và các học giả độc lập quốc tế.
Khi các vi phạm hợp đồng tiếp tục diễn ra trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, chồng và thân nhân của các chị em lao động giúp việc nhà đã đến các báo địa phương để đòi cho các chị em được trở về Việt Nam vì họ đã kết thúc hợp đồng hai năm ở Ả-rập Xê-út nhưng vì lệnh phong tỏa dịch bệnh nên họ bị mắc kẹt không có cách trở về. Không có lời khẩn cầu nào của họ được Đại sứ quán Việt Nam trả lời; và hệ thống Kafala đã để mặc cho các kafeels (gia chủ đồng thời chủ của người lao động) quyết định số phận của các chị em lao động này. Nhưng chính cái chết, năm 2021, của một thiếu nữ chưa đủ tuổi vị thành niên đã đưa đến đỉnh điểm, cùng với báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc về nạn buôn người ở Việt Nam, đã làm chấn động cả thế giới.
Các video được truyền thông xã hội phổ biến cho thấy em H Xuân Siu, người dân tộc thiểu số Jarai, cầu cứu Tùy viên Lao động của đại sứ quán Việt Nam ở Riyadh giúp đỡ vì em bị bà chủ liên tiếp bạo hành thể xác đánh vào đầu khiến em bất tỉnh nhiều lần – nhưng sự kêu cứu của em hoàn toàn không có kết quả. Ðặc biệt, em đã liên lạc với VINACO (công ty tuyển dụng và gởi em đến Ả-rập Xê-út), và với hai Tùy viên Lao động Việt Nam của Đại sứ quán Việt Nam ở Riyadh, để kể về những đau đớn tột cùng và sự khát nước mà em phải chịu, nhưng không ai đến giải cứu cho em. Các tờ báo địa phương khác đã đăng tải và vạch trần những hành vi bạo hành này.
Quyền tự do mong manh của giới truyền thông Việt Nam trong việc đưa tin về những hành vi bạo hành này đã chấm dứt vào cuối năm 2021 khi những bài viết vạch trần những vi phạm lao động ở Ả-rập Xê-út này đã ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế của Việt Nam trên sân khấu toàn cầu. Trong báo cáo TIP 2022 (Trafficking-In-Persons, Nạn buôn người) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Việt Nam đã bị hạ xuống Hạng 3, mức xếp hạng thấp nhất, khi đánh giá về việc tuân thủ các biện pháp cơ bản để chống lại nạn buôn người. Việc xuống cấp này đã gây ra những hậu quả tiêu cực về mặt tài chính cho nhà nước Việt Nam và dẫn đến việc hai tùy viên Lao động của Đại sứ quán Việt Nam ở Riyadh bị sa thải đột ngột. Kể từ năm 2021, nhằm bảo vệ uy tín của mình, nhà nước Việt Nam đã ngầm ra lệnh bịt miệng các phương tiện truyền thông muốn đưa tin về những vụ vi phạm lao động ở Ả-rập Xê-út. Có thể vì thiếu các phóng sự phơi bày sự thật này, mà trong báo cáo TIP 2023, Việt Nam được đưa lên Hạng 2 trong danh sách những nước cần theo dõi.
Mục đích của bài viết này là để nâng cao nhận thức và kêu gọi hành động nhằm khắc phục thiếu xót lớn của Thỏa ước lao động song phương trước khi thỏa ước này được gia hạn thêm 5 năm nữa vào năm 2024. Điều vẫn còn thiếu, sau 10 năm ký kết thỏa ước, là việc thiết lập một Hợp đồng lao động tiêu chuẩn (Standard Employment Contract, SEC) cho người lao động Việt Nam, một điều cần thiết đúng ra đã phải làm ngay từ đầu, khi thỏa ước ra đời năm 2014, và phải được ký kết bởi bốn bên hữu trách – công nhân Việt Nam và công ty tuyển dụng Việt Nam, người chủ Ả-rập và công ty tuyển dụng Ả-rập.
Mục tiêu là để các bên hữu trách này phải chịu trách nhiệm thực hiện và tuân thủ các quyền lợi và trách nhiệm của người lao động và người chủ sử dụng lao động. Mặc dù yêu cầu này đã được quy định rõ trong Ðiều 8 của Thỏa ước lao động song phương 2014 nhưng chưa bao giờ được thi hành. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước chủ chốt – Cục Lao động Nước ngoài (Departmen of Overseas Labour, DoLAB) và Hiệp hội Xuất Khẩu Lao động Việt Nam (Vietnam Association of Manpower Supply, VAMAS) – tiếp tục im lặng sau rất nhiều chất vấn, tiếp xúc và phẫn nộ của dư luận.
Sự kiện bản Hợp đồng lao động tiêu chuẩn vẫn chưa được thiết lập mười năm sau thỏa ước song phương có liên quan trực tiếp tới hệ thống bạo lực nhằm mang lại lợi ích cho cả hai chính phủ và các công ty tuyển dụng của hai nước, và gây nhiều bất lợi cho các chị em lao động giúp việc nhà. Trong tình trạng thiếu mọi sự giám sát như hiện nay thì việc thiết lập một Hợp đồng lao động tiêu chuẩn, vốn đã quá chậm trễ, lại càng trở nên cấp bách hơn khi giờ đây Thỏa ước lao động song phương sắp được tái gia hạn.
Giải thích về bạo lực có hệ thống
Để hiểu được tình trạng bạo lực có hệ thống mà người Việt Nam xuất khẩu đi lao động phải gánh chịu, chúng ta cần hiểu mối liên hệ mật thiết giữa Hợp đồng lao động song phương với hệ thống Kafala, cũng như lợi ích chung của các viên chức nhà nước và các công ty tuyển dụng ở cả hai quốc gia đã duy trì hệ thống lao động xuyên quốc gia mang tính bóc lột này.
Hệ thống Kafala (người chủ bảo trợ là người xin chiếu khán nhập cảnh cho người xuất khẩu lao động) hiện phổ biến khắp sáu quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council, GCC). Trong hệ thống này, gia chủ (cũng là người sử dụng lao động) kiểm soát chiếu khán nhập cảnh, giấy phép cư trú cũng như giấy phép xuất cảnh của người nhân công ngoại quốc. Theo hệ thống Kafala của Ả-rập Xê-út, chính phủ Ả-rập Xê-út đã chuyển giao trách nhiệm giám sát nhân công xuất khẩu lao động giúp việc nhà cho Văn phòng (Ả-rập Xê-út) Tuyển dụng nhân công giúp việc nhà, để rồi Văn phòng lại chuyển giao quyền cho gia chủ (kafeel) Ả-rập, người có toàn quyền quản lý và trục lợi từ sức lao động của những người xuất khẩu giúp việc nhà. Hơn thế nữa, những người giúp việc nhà này bị ràng buộc với người chủ bảo trợ ban đầu, là người có thể trục xuất họ nếu chủ bảo trợ không hài lòng với sự phục dịch của họ. Tôi đã nghiên cứu và phát hiện việc nhiều kafeel đã chuyên chở những người giúp việc nhà Việt Nam của họ sang phục vụ cho nhiều hộ khác không có ghi trong hợp đồng ban đầu.
Tháng 9 năm 2014, hai Thứ trưởng Bộ Lao động Việt Nam và Ả-rập Xê-út đã ký Thỏa ước lao động song phương 5 năm đưa phụ nữ Việt Nam đi lao động giúp việc nhà tại tư gia các gia đình Ả-rập Xê-út, có bao gồm điều khoản tự động gia hạn. Hậu quả theo sau việc gia hạn Thỏa ước thêm 5 năm nữa năm 2019, là vào ngày 17-12-2020 VAMAS đã quyết định thành lập Cục lao đông giúp việc nhà thị trường Trung Đông và bổ nhiệm các lãnh đạo của cục này. (Tên tiếng Việt của VAMAS là Hiệp Hội Xuất Khẩu Lao Động Việt Nam).
Nhưng công chúng không hề biết rằng, năm người lãnh đạo hàng đầu của cục này đều là giám đốc và chủ tịch của các công ty tuyển dụng lao động bị tai tiếng vì tham nhũng và vì đã bỏ mặc nhân công xuất khẩu lao động bị kẹt và bị bóc lột ở Ả-rập Xê-út trong thời khủng hoảng COVID-19. Đặc biệt, VINACO, công ty tuyển dụng đã đưa cô gái dân tộc thiểu số Jrai chưa đủ tuổi vị thành niên đi lao động để rồi qua đời tại Ả-rập Xê-út (như đã trình bày ở trên), vẫn còn đang nắm quyền. Nghiên cứu của tôi đã phát hiện công ty tuyển dụng lao động Thuận An DMC (trước đây là Vĩnh Cát) vẫn tiếp tục hoạt động dù có nhiều vi phạm lao động. Các công ty này, đại diện bởi Quy tắc ứng xử của VAMAS có hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, văn phòng tại Việt Nam vẫn được duy trì quyền hạn của mình mà không hề bị phạt hay bị vạch trần các hành động vi phạm. Cụ thể, các hành vi của VINACO đi ngược với Quy tắc ứng xử mà VINACO đã ký kết tuân thủ.
Bốn năm đã trôi qua và những giám đốc này vẫn tiếp tục lãnh đạo Cục lao động giúp việc nhà thị trường Trung đông. Việc thiết lập cơ chế giám sát để buộc họ phải chịu trách nhiệm về những hành động của họ càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Ở cấp cao nhất thì nhà nước Việt Nam –hoạt động với tư cách là một nhà nước môi giới lao động – cộng tác với hệ thống Kafala của Ả-rập Xê-út là hệ thống tuyển dụng người lao động giúp việc nhà từ Việt Nam. Còn ở Ả-rập Xê-út thì hệ thống Kafala thay thế Thỏa ước lao động song phương và có toàn quyền thống trị bằng cách tịch thu hộ chiếu của người xuất khẩu lao động ngay khi họ đặt chân đến Ả-rập Xê-út, kiểm soát chiếu khán nhập cảnh, giấy phép cư trú và giấy phép xuất cảnh của họ. Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2018 thì những cải cách gần đây về điều kiện lao động xuất khẩu sang Ả-rập Xê-út đã không được áp dụng đối với lao động giúp việc; họ tiếp tục bị tịch thu hộ chiếu, bị lạm dụng thể xác và tình dục, đồng thời bị cấm tham gia công đoàn hay đình công.
Bạo lực có hệ thống vẫn diễn ra triền miên vì không có một sự giám sát chính thức nào để theo dõi việc thực hiện Thỏa ước lao động song phương. Văn phòng Tuyển dụng lao động của Ả-rập Xê-út làm việc trực tiếp với kafeel tức gia chủ Ả-rập, là người nộp đơn xin tất cả các chiếu khán để bảo trợ và kiểm soát từng người lao động giúp việc nhà. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam cấp giấy phép cho các công ty tuyển dụng đến các vùng nghèo ở Việt Nam để tuyển dụng nhân công. Cục quản lý Lao động Ngoài nước, đặt tại đại sứ quán Việt Nam ở Riyadh, chính ra phải có nhiệm vụ hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam để giải quyết những bất bình của người lao động Việt Nam khi làm việc tại Ả-rập Xê-út. Nhưng tất cả đều nhắm mắt làm ngơ trước những khiếu nại liên tục của người lao động Việt Nam ở đó. Hệ thống này bảo vệ các công ty tuyển dụng khét tiếng tham nhũng, nhắm vào không chỉ phụ nữ Kinh ở các vùng nông thôn nghèo ở các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam mà còn cả phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên.
Văn phòng Hà Nội của Tổ chức lao động quốc tế ILO đã và đang hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA) và Cục quản lý Lao động Ngoài nước (DoLAB) cũng như hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), nhưng lại làm ngơ trước “Quy tắc ứng xử” tồi tệ của nhiều công ty tuyển dụng, thành viên của VAMAS, đã không bảo vệ người lao động ở Ả-rập Xê-út. Tại tư gia của kafeel gia chủ, hầu hết những chị em giúp việc nhà này trở thành người nô lệ lao động, và bị chuyển từ nhà này sang nhà khác (trong khi Thỏa ước lao động song phương không cho phép làm điều này), dẫn đến tình trạng bấp bênh, mất lương, nợ xoay vòng và bị tước đoạt quyền lợi. (Tôi đã cố gắng liên lạc với văn phòng Tổ chức lao động quốc tế ILO tại Hà Nội nhưng không được đáp lại. Tôi cũng đã nhiều lần liên lạc với một số nhân viên ILO, đặc biệt là về tình hình tiến triển của mẫu hợp đồng lao động tiêu chuẩn này, nhưng không có kết quả.)
Những tường thuật mới từ nhà nước Việt Nam
Trong khi việc gia hạn Thỏa ước lao động song phương năm 2024 hoàn toàn im ắng, tường thuật mới của nhà nước Việt Nam cho thấy họ tập trung vào thương mại, đầu tư và xuất khẩu lao động có tay nghề cao. Kể từ năm 2022, những tường thuật chính thức đã không ngừng thúc đẩy các hiệp định song phương giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út về thương mại và đầu tư. Đặc biệt, Ả-rập Xê-út muốn nhập khẩu thêm 10 triệu lao động nước ngoài từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp sản xuất, năng lượng, y tế và du lịch. Thỏa ước lao động song phương tập trung vào kỹ nghệ du lịch giữa hai quốc gia, xuất khẩu các sản phẩm thức ăn halal của Việt Nam sang Ả-rập Xê-út và việc sử dụng năng lượng tái tạo. Trong khi Ả-rập Xê-út chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến dầu khí như hóa chất và nhựa thì Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điện thoại di động, các sản phẩm nông nghiệp như gạo, hạt điều, trái cây và rau quả.
Ngoài ra, các chỉ đạo của thủ tướng và các bộ khác (bộ lao động, bộ thương mại và bộ công nghiệp) tập trung vào việc đào tạo lao động có tay nghề cao để đi làm việc ở Trung Đông (như Ả-rập Xê-út). Đặc biệt, Bộ lao động – thương binh và xã hội Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đàm phán, lựa chọn những chủ sử dụng tốt, hợp đồng tốt phù hợp với người lao động Việt Nam. Sử dụng trình độ, kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam làm cơ sở để đàm phán, nâng cao mức lương và các quyền lợi khác cho người lao động…” Hồi đáp của các công ty tuyển dụng, thành viên của Hiệp hội xuất khẩu lao động, cam kết tuân thủ chỉ đạo của cấp lãnh đạo: “không đưa người lao động đi bằng mọi giá, chú trọng công tác đào tạo, lựa chọn, đánh giá kỹ lưỡng đối tác, hợp đồng và hỗ trợ, quản lý người lao động trong suốt thời gian làm việc ở nước ngoài để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.”
Bài viết trong tương lai sẽ đánh giá lời hứa “không đưa người lao động đi bằng mọi giá” này.
Nhưng còn điều kiện sống và làm việc của hầu hết những người lao động có tay nghề thấp, đặc biệt những phụ nữ giúp việc nhà trong những căn hộ đóng kín của chủ kafeel, không ai nhìn thấy và không ai thừa nhận thì sao? Tính đến tháng 10/2023, vẫn còn khoảng 5.000 người lao động Việt Nam ở Ả-rập Xê-út làm các công việc như thợ hồ, xây cất, cơ khí, giúp việc nhà, tài xế; chỉ có một số ít là kỹ sư và chuyên gia. Nhưng không có thông tin chính thức, hoặc báo cáo của chính phủ hoặc cơ sở dữ liệu công khai nào khác về điều kiện làm việc của những người lao động tạm thời có tay nghề thấp này.
Điều trớ trêu là hơn 5.000 nhân công lao động xuất khẩu ở Ả-rập Xê-út lại không có tên trong danh sách xuất khẩu mà Thủ tướng Việt Nam đã hãnh diện đưa ra kèm với tuyên bố đàm phán thương mại và đầu tư với Ả-rập Xê-út.
Kết luận
Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm thực hành tốt của Philippines và Campuchia. Hai quốc gia này đã ký Thỏa ước lao động song phương với Ả-rập Xê-út lần lượt vào năm 2013 và 2016. Tuy nhiên hai quốc gia này đã ngay lập tức bảo vệ người lao động của nước họ bằng cách thảo ra và sử dụng Hợp đồng lao động tiêu chuẩn cho nhân công giúp việc nhà ngay trong cùng năm mà nước họ ký Thỏa ước lao động song phương với Ả-rập Xê-út.
Sử dụng cùng một khuôn mẫu, Hợp đồng lao động tiêu chuẩn của họ có hai cột viết bằng hai thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Ả-rập, nêu rõ thông tin của người chủ Ả-rập (đại diện bởi Cơ quan tuyển dụng Ả-rập Xê-út), người giúp việc nhà (đại diện bởi cơ quan tuyển dụng lao động) và địa chỉ nơi làm việc. Mọi quyền lợi của người lao động được nêu rõ trên Hợp đồng lao động tiêu chuẩn để được thực hiện đúng đắn. Ở cuối bản hợp đồng, phải có bốn chữ ký xác nhận tất cả các điều khoản được nêu trong Hợp đồng lao động tiêu chuẩn này: của người chủ Ả-rập Xê-út, của cơ quan tuyển dụng Ả-rập Xê-út, của người lao động giúp việc nhà và của cơ quan tuyển dụng người giúp việc từ nước xuất khẩu lao động. Mức độ minh bạch này rất quan trọng hầu đảm bảo các cơ quan tuyển dụng có trách nhiệm kiểm soát và thực thi hợp đồng một cách đúng đắn. Hơn thế nữa, Hợp đồng lao động tiêu chuẩn này cung cấp cơ sở dựa theo đó người lao động có thể than phiền hay khiếu nại khi quyền lợi của họ không được tuân thủ và hợp đồng của họ bị vi phạm nghiêm trọng.
Dựa theo các Hợp đồng lao động tiêu chuẩn này, quyền lợi của người giúp việc nhà từ Campuchia hay Philippines đã được bảo vệ và thậm chí họ còn được đảm bảo một tháng nghỉ phép có lương tại quê nhà nếu hợp đồng 2 năm của họ được hoàn thành tốt và được gia hạn đúng theo thỏa thuận giữa họ và người chủ Ả-rập Xê-út.
Trong trường hợp Việt Nam, bạo lực có hệ thống—do được nhà nước môi giới lao động Việt Nam dung túng và do vì hệ thống Kafala không kiểm soát đúng mức Thỏa ước lao động song phương—đã phủ nhận phúc lợi xã hội và đã không bảo vệ phụ nữ lao động giúp việc nhà Việt Nam như đã hứa trong thỏa ước. Học từ kinh nghiệm của hai nước láng giềng Đông Nam Á như Campuchia và Philippines, chính phủ Việt Nam và Ả-rập Xê-út nên tạo lập ngay một Hợp đồng lao động tiêu chuẩn để làm cơ sở giám sát và bảo vệ quyền và lợi ích của những người lao động giúp việc nhà Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù việc tạo lập Hợp đồng lao động tiêu chuẩn có thể là bước đơn giản đầu tiên mà chính phủ Việt Nam và Ả-rập Xê-út cần thực hiện, ta nên thận trọng vì Hợp đồng lao động tiêu chuẩn không hẳn là công cụ hiệu quả để đảm bảo quyền lợi của nhân công xuất khẩu lao động giúp việc nhà. Kết quả một cuộc nghiên cứu năm 2023 khảo sát phụ nữ Philippines và Nam Dương đã từng xuất khẩu lao động giúp việc nhà ở các quốc gia vùng Vịnh Ả-rập đã phát hiện có hơn một nửa số hộ gia đình đã bức bách những chị em lao động này phải chịu ít nhất một hình thức ngược đãi, từ làm việc quá số giờ qui định, chậm trả lương, không được nghỉ một ngày mỗi tuần, đến thậm chí còn bị thiếu ăn và thiếu chăm sóc y tế, và cả bị lạm dụng thể chất và tinh thần.
Cần phải có một bên thứ ba trung lập, chẳng hạn như các công đoàn hoặc một số tổ chức xã hội dân sự xuyên quốc gia, để kiểm tra việc thực thi Hợp đồng lao động tiêu chuẩn hầu đảm bảo quyền lợi của nhân công xuất khẩu lao động giúp việc nhà được duy trì.