Hệ thống Kafala và Lao Động Giúp Việc Nhà từ Việt Nam: Tham Nhũng và Nhà Báo Bị Khóa Mồm

Luật sửa đổi thiếu thốn, tham nhũng tràn lan, và nhà báo bị đàn áp ở Việt Nam khiến các chị em giúp việc nhà tiếp tục bị tổn thương bên Ả Rập Xê Út.

Trong khi những than phiền của các chị em người Việt Nam giúp việc nhà bên Ả Rập Xê Út về sự bóc lột và bị lạm dụng về nhiều mặt tiếp tục bị quên lãng, thỏa thuận lao động giữa hai nước lại được rập khuôn và gia hạn thêm 5 năm nữa (2019-2024).

Tuy nhiên, tin mới nhất từ Bộ Công An cho biết đã khởi tố Cục trưởng, phó cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao về tội “Nhận hối lộ” để xét duyệt cấp phép cho các công ty môi giới (“xuất khẩu” lao động) tổ chức những chuyến bay thương mại mà các lao động Việt Nam từ nước ngoài về nước phải trả giá vé cắt cổ (khoảng USD $3000) cho chuyến bay một chiều và chi phí cách ly khi về đến Việt Nam. Tin này cho thấy một mạng lưới tài chính thông đồng giữa các công ty môi giới và Bộ Ngoại Giao.

Không phải tình cờ mà việc khởi tố này xảy ra ngay sau một loạt các bài báo, trong và ngoài nước, và lá thư của năm báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc lên tiếng cảnh báo về nạn buôn người từ Việt Nam. Vậy mà bao lời than phiền của các chị em giúp việc nhà ở Ẩ Rập Xê Út về đại diện của Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước hoạt động ở tòa đại sứ Việt Nam ở Riyadh vẫn tiếp tục bị bỏ ngoài tai.

Gần 4 tháng đã trôi qua sau lá thư chung do 5 báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc viết yêu cầu chính phủ Việt Nam trả lời về nạn buôn người từ Việt Nam, vi phạm nhân quyền, và các hình thức nô lệ và bạo hành (thể chất và tình dục) đối với các lao động nữ. Cho đến nay, chính phủ Việt Nam vẫn chưa chính thức trả lời về 4 ca của 4 chị em giúp việc nhà tị nạn ở trung tâm Dịch Vụ Xã Hội Sakan ở Riyadh. Những trường hợp này chỉ là vài thí dụ cho cả một hệ thống bóc lột (nhiều khi bạo hành) mà các chị em giúp việc nhà bên Ả Rập Xê Út phải gánh chịu.

Tuy nhiên, có vài biến chuyển đáng mừng là một nghị định và một thông tư vừa được ban hành vào cuối tháng 12, 2021 để hướng dẫn thực hiện Luật 69 (sửa đổi)Về Người Lao Động Việt Nam Đi Làm Việc Ở Nước Ngoài Theo Hợp Đồng bắt đầu có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 2022.

Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ ILO để viết các văn bản dưới luật thực thi những điều khoản nhằm ngăn chận những vi phạm về lao động bên Ả Rập Xê Út. Cụ thể là Điều Khoản 20 của Nghị Định 112/2021/NĐ-CP đòi hỏi là mỗi công ty môi giới phải có ít nhất một đại diện có mặt ở nước sở tại, phải biết tiếng địa phương và có 1 năm kinh nghiệm để giúp đỡ các lao động khi họ xin giúp đỡ.

Điều khoản này vô cùng cần thiết vì cho đến nay không có đại diện của công ty môi giới nào ở Riyadh mà chỉ có một viên chức thuộc Cục QLLĐ Ngoài Nước trả lời các cuộc gọi cầu cứu của các chị em giúp việc nhà. Đoạn video nằm trong bài báo VOA tiếng Việt cho thấy những lời kêu cứu tuyệt vọng và thương tâm của một em giúp việc nhà (người dân tộc Jrai) mà không được đáp trả. Em qua đời trong bệnh viện khi không nhận được sự giúp đỡ nào từ tòa đại sứ Việt Nam ở Riyadh.

Để hiểu hệ thống này, chúng ta cần hiểu về 3 loại hợp đồng. Thứ nhất là hợp đồng giữa các công ty môi giới “xuất khẩu” lao động và các cơ quan liên hệ ở Ả Rập Xê Út. Các phụ lục nêu rõ các điều khoản để đảm bảo quyền lợi của Người lao động (NLĐ) giúp việc nhà, trông trẻ, làm vườn và lái xe. Tập trung vào việc giúp việc nhà, những điều khoản sau đây, nếu thi hành đúng đắn, sẽ đáp ứng được những than phiền và nỗi khổ của các chị em: 1. NLĐ chỉ làm việc cho 1 chủ hộ đã đăng ký với cơ quan môi giới Ả Rập (trên thực tế, nhiều chị em bị chủ đưa đi làm việc cho nhiều hộ trong đại gia đình của họ); 2. NLĐ phải được nghỉ 1 ngày mỗi tuần và nghỉ giải lao sau khi làm việc liên tục 9 tiếng; 3. Tiền lương tháng ít nhất là $350 (và cộng thêm $15/ngày nếu làm việc trong ngày nghỉ). Trên thực tế, vì lương tháng quá thấp, nên các chị em làm việc 7 ngày một tuần, và quần quật hơn 12 tiếng mỗi ngày để chỉ lãnh khoảng $400/tháng; 4. NLĐ phải được cung cấp 1 phòng riêng, sạch sẽ để ngủ, nghỉ và được ăn ngày 3 bữa; 5. Phía chủ phải trả tất cả các chi phí y tế để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ; 6. Nếu hợp đồng kết thúc trước thời hạn 2 năm mà không phải do lỗi của NLĐ thì phía chủ phải trả tiền vé máy bay về Việt Nam và tất cả các khoản bồi thường chưa thanh toán; 7. Sau khi NLĐ đã hoàn tất hợp đồng lao động 2 năm, phía chủ phải mua vé máy bay cho NLĐ cả hai chiều.

Thứ hai là hợp đồng giữa NLĐ và công ty môi giới. Phụ lục I đính kèm (trang 15-22) nêu rõ quyền lợi và trách nhiệm của hai bên. Tuy nhiên nếu không có sự giám sát loại hợp đồng thứ ba, ký trực tiếp giữa NLĐ và chủ hộ ở Ả Rập Xê Út, thì tất cả các điều khoản tốt đẹp tổng quát nêu trên cũng trở thành vô nghĩa. Trong tất cả các văn bản này, tôi đều không thấy bất kỳ một cơ chế nào buộc phía chủ Ả Rập phải có trách nhiệm với NLĐ Việt Nam.

Thứ ba, hợp đồng quan trọng nhất là hợp đồng ký trực tiếp giữa chủ Ả Rập và NLĐ giúp việc nhà. Điều đáng ghi nhận là hợp đồng này hoàn toàn không nằm trong vòng giám sát của luật sửa đổi nêu trên (Luật 69/2020/QH14). Hiện tại, hợp đồng này được ký kết giữa chủ Ả Rập (vừa là chủ nhà vừa là ông chủ) và NLĐ Việt Nam (nhiều chị em chưa học xong trung học và chỉ nói tiếng Việt hay tiếng của dân tộc họ. Trong khi đó, hộ chiếu của họ bị chủ giữ ngay khi họ đặt chân đến Ả Rập Xê Út). Hợp đồng này chỉ nằm dưới sự chứng kiến ​​của văn phòng tuyển dụng Ả Rập Xê Út và không hề có sự giám sát nào từ phía Việt Nam.

Thỏa thuận lao động 5-năm ký từ 2014 giữa hai quốc gia mặc nhiên được gia hạn thêm 5 năm nữa (2019-2024) mà không hề có thay đổi gì để giúp NLĐ. Cho đến nay, rõ ràng NLĐ bị lép vế và dễ bị thương tổn vì không có sự bảo vệ thật sự của Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước. Hơn nữa, trên nguyên tắc của thỏa thuận này, bộ lao động từ hai quốc gia phải hình thành một hợp đồng mẫu theo đúng Điều #8 của thỏa thuận này để dùng cho loại hợp đồng thứ ba nêu trên. Thế nhưng 8 năm đã trôi qua mà chưa hề có hợp đồng mẫu như yêu cầu. Rõ ràng NLĐ tiếp tục bị thiệt thòi trong khi các công ty môi giới và Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước không làm tròn trách nhiệm để bảo vệ NLĐ mà họ đưa sang làm việc bên Ả Rập Xê Út. Hiện tại, với sửa đổi nửa mùa của hệ thống Kafala (loại trừ lao động giúp việc nhà và nông dân), các ông chủ Ả Rập và gia đình họ vẫn tiếp tục có toàn quyền sinh sát đối với hầu hết các chị em giúp việc nhà, và vô hiệu hóa Luật 69 (sửa đổi) nêu trên.

Ngay sau khi ký thỏa thuận lao động này, các cơ quan ngôn luận nhà nước lúc ấy vẫn được cho phép đăng rất nhiều tin về những vi phạm xảy ra cho các chị em giúp việc ở Ả Rập Xê Út. Năm 2015, chỉ mới một năm sau khi ký kết thỏa thuận, báo chí đã bắt đầu đăng tải những vi phạm tràn lan qua lời than thở và bất bình của chính người nhà của các chị em giúp việc bị kẹt bên đó. Họ nhờ người thân quê nhà làm đơn kêu cứu khắp nơi mong sớm được về nước. Sự phản kháng của gia đình được thể hiện qua những khiếu nại và kiến ​​nghị đăng trên báo. Phóng viên Lê Hữu Việt (Báo điện tử Tiền Phong thuộc Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh) tường thuật các trường hợp các chị em bị bắt làm việc cật lực, bị bỏ đói và bị bạo hành tại Ả Rập Xê Út. Gia đình đã làm đơn gửi lên Thủ tướng để tố cáo một công ty môi giới lao động đã không thực hiện đúng hợp đồng ký kết và để yêu cầu đưa người nhà về lại Việt Nam. Nói chung, báo chí vạch rõ là nhiều lao động nữ tại các vùng quê nghèo nghe lời chào mời của các công ty xuất khẩu lao động đi Ả Rập Xê Út làm giúp việc gia đình đã lên đường với hy vọng đổi đời, nhưng khi sang đến nơi thì họ bị vỡ mộng: các công ty môi giới thường xuyên “đem con bỏ chợ” và vì thế họ phải tự chống trả một mình và xoay sở đủ cách để được bay về quê nhà.

Nô lệ thời nay: Phụ nữ Việt Nam lao động giúp việc nhà ở Ả-rập Xê-út

Cái chết mới đây của một cô gái vị thành niên tên H Xuân Siu, được tuyển dụng làm người giúp việc nhà tại Ả-rập Xê-út đã khiến cả thế giới bàng hoàng.

Cho đến cuối năm 2021, chính phủ vẫn cho phép báo chí đăng tải những khiếu nại và kiến ​​nghị của gia đình. Báo Người Lao Động trang Công Đoàn đăng tin nữ lao động giúp việc nhà ở Ả Rập Xê Út chấp nhận mất khoản tiền lớn để mong thoát khỏi cuộc sống tủi nhục ở xứ người nhưng đường về của họ vô cùng gian nan. Báo Thương Hiệu và Công Luận (trang Pháp Luật Đời Sống) đăng tải nguyên văn lá thư viết tay của người con gái cầu cứu cho bà mẹ bị một công ty môi giới “mang con bỏ chợ”: bà đã hoàn tất hợp đồng lao động nhưng chưa được về nước trong khi đó chủ sử dụng chậm thanh toán lương và gia đình thì bị mất liên lạc với bà. Trang Bạn Đọc của báo Người Lao Động đăng tin người cha già và hai đứa con thơ trông ngóng mẹ về mà không hay là người mẹ đã chết lạnh lẽo bên Ả Rập Xê Út vì mắc Covid-19 trong khi đó vẫn bị nợ lương. Trang Pháp luật của Báo Dân Tộc và Phát Triển loan tin một người chồng cầm đơn đi gõ cửa khắp nơi gần 1 năm để cầu cứu cho người vợ lao động giúp việc nhà ở Ả-rập Xê-út, lúc ấy vẫn chưa được về dù đã hết thời hạn hợp đồng. Báo Phụ Nữ Thủ Đô, trang Phụ Nữ và Hội Nhập thông tin vụ em H Xuân Siu (mới 17 tuổi, người Jrai) tử vong sau hai năm làm giúp việc gia đình ở Ả-rập Xê-út và cảnh báo là phía Việt Nam cần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam làm việc bên đó. Từ sau tin này và lá thư của Liên Hiêp Quốc về nạn buôn người từ Việt Nam nêu trên, chính phủ Việt Nam đã ngấm ngầm “khóa mồm” các nhà báo!

Rõ ràng là quyền lực mềm của báo chí trung ương và địa phương có giới hạn trong việc đưa tin giúp dân vì sau tháng 11, 2021, các báo không được phép đăng tin về xuất khẩu lao động giúp việc nhà bên Trung Đông. Khi đại dịch Covid hoành hành, các chị em không ngồi yên cam chịu mà đăng trên các mạng xã hội nỗi khổ của mình để vạch trần những vi phạm hợp đồng lao động và để kêu cứu. Có một hình thức chống đối khá phổ biến là các chị thâu và đăng clip video ngắn để cảnh giác các chị em đang giúp việc nhà bên Ả Rập Xê Út. Chị Hoàng Thi đăng 1 clip dài 5 phút trên mạng xã hội facebook trang công cộng, tựa là: “Gửi đến các chị em đang làm việc bên Ả Rập Xê Út và Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Ả Rập Xê Út” để vạch trần những khó khăn và sự uất ức của các chị em giúp việc gia đình, và bày tỏ sự thất vọng vì thiếu sự giúp đỡ của đại diện BQLLĐ bên đó. Chị còn khuyến khích các chị em giúp việc nhà khác hãy cùng lên tiếng chống đối những vi phạm và bạo hành này.

Tất nhiên không phải là chủ Ả Rập nào cũng vi phạm hợp đồng lao động. Nhưng với hệ thống Kafala hiện hành, thì ngay cả với luật Việt Nam sửa đổi và các văn bản dưới luật cũng không thể thực thi được những điều khoản tốt đẹp nêu trên vì không có cơ chế giám sát việc thi hành hợp đồng từ phía Ả Rập Xê Út.

Như nhà báo Lam Lê có viết, các chị em giúp việc gia đình từ Việt Nam không cô đơn trong cuộc đấu tranh này. Lao động giúp việc nhà từ Phi Luật Tân và Nam Dương cũng phải đối phó với hệ thống này và cũng có những phương cách chống đối và tạo sức mạnh cho mình. Chính phủ Việt Nam và các tổ chức xã hội dân sự nên hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các nhà hoạt động toàn cầu và công đoàn từ hai nước này để hỗ trợ cho lao động nữ giúp việc gia đình và để họ đương đầu được với hệ thống này.

Bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nhiều NLĐ giúp việc nhà vẫn đang khốn khổ trong điều kiện làm việc như nô lệ thời nay, trong khi thỏa thuận lao động giữa hai quốc gia lại vừa được kéo dài cho đến 2024. Để giải quyết vấn đề tận gốc rễ, tại sao không kết thúc thỏa thuận này càng sớm càng tốt? Tại sao Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước không làm tròn trách nhiệm của mình để bảo vệ NLĐ bên Ả Rập Xê Út và nghiêm trị những công ty môi giới thường xuyên “đem con bỏ chợ”? Ít ra là hợp đồng lao động mẫu phải được hình thành càng sớm càng tốt (đã trễ 8 năm rồi) và trong hợp đồng mẫu này phía Việt Nam phải có chữ ký của hai người: NLĐ và một chuyên viên không từ công ty môi giới và nói được tiếng Ả Rập và tiếng Anh, để giám sát và bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Hơn nữa, đường dây nóng, hoạt động 24/7, nên được thành lập ngay tại Ả Rập Xê Út, dưới sự giám sát của một tổ chức công bình, có nhân viên nói được nhiều thứ tiếng để kịp thời đáp ứng lời kêu gọi trợ giúp của các chị em giúp việc nhà hiện làm việc bên đó.

More on Vietnam

Vietnam’s public loudspeaker system: a means of communication to combat COVID-19

While not resource-rich, Vietnam's intelligent communication methods helped maintain zero recorded deaths from the pandemic.

Mapping ride-hailing app driver strikes in Vietnam

These actions by app-based drivers indicate an informal but sophisticated level of workers’ self-organisation.

Saigon’s hidden presidential palace and forgotten president: the Republic of Cochinchina and Nguyễn Văn Thinh

Reconsidering an oft-overlooked chapter in Vietnam’s decolonisation.